Vọng cổ
Vọng cổ, hay vọng cổ Bạc Liêu, là một điệu nhạc rất thịnh hành ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Việt Nam. Nó được bắt nguồn từ bài "Dạ Cổ Hoài Lang" (nghe tiếng trống đêm, nhớ chồng) của nghệ sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu). Bản vọng cổ là một trong những điệu nhạc căn bản của sân khấu cải lương
Sơ lược nguồn gốc và nhạc pháp
Bài "Dạ cổ hoài lang" có 20 câu, hai nhóm đầu mỗi nhóm 6 câu, hai nhóm sau mỗi nhóm 4 câu. Mỗi câu trong bài có 2 nhịp, gọi là nhịp đôi.
Ngay từ thời chỉ mới có nhịp đôi, bản "Dạ cổ hoài lang" đã được đặt lời khác. Việc đặt (ngôn ngữ nhạc Việt gọi là "soạn") lời ở các bản cổ nhạc không giống như đặt lời tân nhạc. Một bài tân nhạc khi đặt lời thì theo sát câu nhạc của lời trước, tức là theo đúng hay rất sát nốt nhạc trong mỗi stanza. Đặt lời một bản cổ nhạc giống như làm bài thơ họa: Theo đúng nốt nhạc (ngôn ngữ nhạc Việt gọi là chữ nhạc) ở cuối câu (chỗ dứt nhạc) và theo giọng bình - trắc ở những chữ đó.
Câu 2 nhịp, tuy nhiên, không thỏa mãn được nhu cầu của các nhà soạn nhạc. Bản nhạc (bản vọng cổ luôn gọi là "bản", không gọi là "bài") được tăng lên 4 nhịp, tức nhịp tư, trong khoảng thời gian 1927-1935. Sau đó tăng lên nhịp tám năm 1936-1945, và cũng khoảng thời gian này được mang tên bản "Vọng cổ". Từ nhịp tám lên nhịp 16, 32, 64, 128,... Bản thông dụng nhất hiện nay là bản nhịp 32.
Bản vọng cổ nhịp đôi, nhịp tư chỉ theo sát chữ nhạc ở chỗ dứt câu. Nhưng khi bản nhạc có nhiều nhịp, phải theo đúng chữ nhạc ở một số nhịp nhất định.
Thí dụ, câu 1 của bản nhịp đôi chỉ cần dứt ở chữ cống, theo chuẩn của bản Dạ cổ hoài lang.
Nhưng câu 1 của bản nhịp 32 phải có chữ hò ở nhịp 16, hò ở 20, xê ở 24, xang ở 28, cống ở 32. Ở bản 32 nhịp, tất cả các câu đều có xề (gọi là "xuống" xề) ở nhịp 4. (Trên thực tế, bản 32 nhịp thường câu 1 và 4 ngắn, chỉ có 16 nhịp sau, còn 16 nhịp đầu nói thơ hoặc nói lối hoặc xen tân nhạc.
Khi câu nhạc còn ngắn, bản nhạc chỉ gieo vần ở cuối câu. Lên tới nhịp 32, 64, các soạn giả bắt đầu gieo vần liên kết bên trong mỗi câu.
Các bản vọng cổ nhịp 2, 4, v.v.
Cùng với việc tăng số nhịp trong mỗi câu, bản vọng cổ ngày càng đa dạng thêm nhờ sự sáng tạo của các soạn giả, các nghệ sĩ làm bản vọng cổ ngày nay rất phong phú.
Vọng cổ nhịp đôi
Bản Vọng cổ nhịp đôi tức là bản Dạ cổ hoài lang nguyên thủy.
Sáu câu đầu trong bản này như sau, vần gieo mỗi câu một lần (trong đó có câu vần lưng tức yên vận):
1. Từ là từ phu tướng,
2. Bảo kiếm sắc phán (phong) lên đàng.(phán: sai bảo; không phải là phong)
3. Vào ra luống trông tin chàng.
4. Năm canh mơ màng.
5. Em luống trông tin chàng,
6. Ôi gan vàng thêm (quặn) đau.(thêm:đã đau nhiều rồi; quặn: đau lần đầu. Có lẽ "thêm" phù hợp hơn)
Sáu câu này có sáu chữ dứt câu như sau:
1.......... cống
2.......... xang
3.......... hò
4.......... hò
5.......... xề
6.......... liu
Những chữ nhạc này được dùng trong tuồng "Tham phú phụ bần" như sau:
1. (Đào:) Vì đâu nên xui khiến (cống)
2. Cha nỡ rẽ thúy chia uyên (xang)
3. Làm cho đôi ta đeo phiền (hò)
4. Mang nặng lời nguyền (hò)
5. (Kép:) Đành cam đứt câu nghĩa tình (xề)
6. Trên Thiên Hoàng xin chứg minh (liu)
...
Tới hết 20 câu thì hết bản.
Vọng cổ nhịp tư
Nhịp tư bắt đầu có từ năm 1927. Từ bản này, vọng cổ bước một bước thay đổi quan trọng: Chữ nhạc trong bài không theo hơi Bắc (tức Bắc chánh) nữa mà đổi sang hơi Bắc Oán. Dưới đây là sáu câu đầu bản "Khúc oan vô lượng" của soạn giả Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi.
Đêm nào ngọn đèn khuya, mẹ đây chong trắng đĩa
Chàng ôi, nếu có gặp nhau họa chỉ trong giấc mộng huỳnh lương
Trời đất ôi! Vợ chồng tôi đang vui câu đầm ấm nơi cảnh gia đường
Vì ai gieo oan mà để cho thiếp phải cam dồn dập nơi khốn cảnh đoạn trường
Hơn bốn năm trường tựa nơi canh cửa thiếp trông chờ
Đã biết rằng tuyệt vô hy vọng mà lòng mong thiếp những hoài mong
...
Vọng cổ nhịp tám
Bản nhịp tám, từ năm 1936, bắt đầu ngân nga hơn bản nhịp tư. Người góp công làm bản nhịp tám được công chúng ưa chuộng phải kể đến nghệ sĩ Lưu Hoài Nghĩa tức Năm Nghĩa. Nhiều bản tuồng nhịp tám tới nay vẫn còn nổi tiếng, như bản "Tô Ánh Nguyệt" của soạn giả Trần Hữu Trang:
1.Sau khi tôi có chết đi rồi, xin Cậu chứng kiến cho tấc lòng tôi mà tỏ hết khúc nói cho ai kia được rõ nỗi khổ tâm của tôi trước giờ tôi nhắm mắt
2. Dưới nấm mộ xanh, thân người mạng bạc, ngàn muôn năm linh hồn tôi họa chăng được tiêu tan khối hận chốn tuyền đài
3. Mười tám năm dư lắm lúc tôi muốn vạch mặt phơi gan mà than thở với đất trời
4. Nhưng mà mối hận tình nó nấu nung trong tim phổi, nghĩ bao nhiêu tội lỗi, gặp mặt ai tôi nói chẳng nên lời
5. Ngày hôm nay, tôi sắp lìa xa bao nhiêu kẻ thân yêu quý mến mà từ giã cõi đời
6. Cậu ôi, tôi nhờ cậu nói lại với má thằng Tâm rằng tôi mong giũ sạch nợ trần ai đặng thoát ra khỏi vòng tình thiên hận hải, vậy tôi xin có một đôi lời nhắn nhủ cùng với ai.
...
Vọng cổ nhịp mười sáu
Tới bản mười sáu, từ năm 1946, mỗi câu bắt đầu dài, như sáu câu sau đây trong "Tôn Tẫn giả điên", nổi tiếng với giọng ca Út Trà Ôn:
1. Úy trời đất ôi! Nỗi đoạn trường, cũng vì tôi đây quá tin thằng Bàn Quyên là bạn thiết cho nên ngày hôm nay thân của tôi phải ra nông nỗi
2. Còn như công cuộc ngày hôm nay đây, bởi tôi không cẩn thận cho nên bạn tôi nó mới đành nhẫn tâm chặt lấy một bàn chơn tôi
3. Khi tôi còn ở trên non thì tôi quyết ẩn thân tu tâm dưỡng tánh, luyện thuốc trường sanh mong thành chánh quả đặng có tọa hưởng Bồ Đoàn
4. Nào hay đâu thằng Bàn Quyên nó lên năn nỉ ỷ ôi, lời ngon tiếng ngọt, nó nói rằng chúa của nó là một đấng minh quân chơn mạng. Bởi vậy cho nên nó bảo tôi một một, hai hai cũng phải xuống mà đầu hàng.
5. Cho nên khi ấy tôi mới hạ san, thì thầy của tôi có cho tôi một bức cẩm nang lại dặn tôi rằng: Hễ khi nào lâm nạn thì dở ra xem rồi liêu> chước biến quyền
6. Vậy thì tôi đây vọng nguyện với Tôn sư, khai thơ cứu mạng. Ủa sao tôi chẳng thấy điều chi lạ, chỉ thấy trong thơ có một chữ "Cuồng". Ờ, ờ, phải rồi, đây thầy tôi bảo tôi giả điên đặng có thoát thân.
Thời kỳ vọng cổ nhịp mười sáu cũng là lúc câu vọng cổ có trộn vô những câu nói thơ (tức ngâm thơ, theo điệu Tao Đàn hoặc Vân Tiên) và những câu hò. Đây là sáng kiến của nghệ sĩ Út Trà Ôn ảnh hưởng cho tới nay. Trong bản "Tôn Tẫn giả điên", Út Trà Ôn nói thơ trong câu 11-12 và hò trong câu 13 như sau:
11. Bây giờ buồn quá, để nói thơ cho bà con cô bác nghe chơi: Buồn cười vua Trụ đa đoan, mê nàng Đắc Kỷ rồi giết oan hết cả trào. Nói qua tới lớp vua U mà yêu ấp ả má đào
12. Ẵm ôm nàng Bao Tỉ giặc vào cũng không hay. Còn vua Kiết có tánh rồi hay say, nghe lời của Muội Hỷ mà lại giết ngay tôi Long Phùng.
13. Hò hơ... chết tôi, tôi chịu xin đừng bận bịu bớ điệu chung tình. Hò hơ... con nhạn bay cao rồi khó bắn, hò hơ... con cá ở ao quỳnh cũng khó câu...
Từ khi có bản vọng cổ mười sáu nhịp, câu nhạc đã bắt đầu đa dạng phong phú.
Vọng cổ nhịp 32
Bản vọng cổ 32 nhịp ra đời năm 1941 do nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (tức Năm Nhỏ) chế tác, đến năm 1955 thì được đưa ra phổ biến rộng rãi, là bản vọng cổ được coi là tiêu chuẩn hiện nay, mặc dù cũng đã xuất hiện bản 64 nhịp và 128 nhịp. Trần Tấn Hưng tâm đắc nhất là bản Vọng Cổ và tiền thân của nó là bản Dạ cổ hoài lang, sở trường của ông lại là chiếc đờn ghi ta phiếm lõm (lục huyền cầm) nên rất thích hợp với giọng mùi mẫn của loại nhạc điệu này. Năm 1936 Trần Tấn Hưng thọ giáo thầy Nhạc Khị, nhưng Nhạc Khị lúc này đã già yếu nên việc dạy đờn cho các môn sinh mới đều ủy thác cho các đệ tử là Ba Chột, Sáu Lầu, vì vậy Trần Tấn Hưng tuy làm lễ bái sư với Nhạc Khị nhưng kể như chính thức mở đầu cuộc đời nghệ thuật từ hai vị sư huynh này. Theo nhận xét của ông bản Vọng cổ 20 câu nhịp 16, về số câu thì quá dài còn lòng câu của mỗi câu lại ngắn, chỉ phù hợp với đờn ca tài tử không phù hợp với sân khấu cải lương; ông muốn rút số câu lại còn 6 câu và mở bung mỗi câu thành 32 nhịp cho diễn viên dễ trình diễn hơn. Cuối cùng Trần Tấn Hưng đã thành công; ông đã độc tấu bản Vọng cổ nhịp 32 với chiếc đờn ghi ta trong ngày giỗ tổ ngày 12 tháng 8 năm Tân Tỵ (1941). Hôm đó mọi người đều rất hân hoan, ai nấy đều mỗi câu chúc mừng thành quả của người "em nhỏ"; nhạc sĩ Cao Văn Lầu mừng rỡ hơn ai hết vì ông đã thấy bản Vọng cổ - hóa thân của Dạ cổ hoài lang thêm một lần chuyển mình và phát triển, ông phát biểu: Bản Dạ cổ hoài lang nhịp đôi do tôi đặt ra, nhưng biến đổi thành bản Vọng cổ có nhiều nhịp như hiện nay là do công của Trịnh Thiên Tư, Năm Nghĩa, Mộng Vân và Năm Nhỏ. Bản Vọng cổ nhịp 32 của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình phát triển của Vọng cổ nói riêng và Cải lương Nam bộ nói chung; đã góp phần tạo điều kiện cho người sáng tác cổ nhạc, biên soạn kịch bản và diễn viên sân khấu có điều kiện để thực hiện được hết khả năng và nghệ thuật của mình bởi nó dung nạp được tất cả các thể hơi từ Bắc, Hạ, Nam, Oán...do đó nó được mệnh danh là Hoàng Đế của thể loại Âm Nhạc Tài Tử và Sân Khấu Ca Kịch Cải Lương.
Từ bản 32 nhịp, mỗi câu bắt đầu có vần gieo ngay trong câu, vì 32 nhịp là một quãng quá xa để chỉ có một vần. Câu dưới đây trong bản "Nắng chiều quê ngoại" của soạn giả Viễn Châu là một thí dụ:
Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rủ bóng đang vươn lên ngọn khói lam chiều. Cảnh hoàng hôn sao nhuộm vẻ tiêu điều. Khóm lau thưa xào xạc trên lối đường mòn vẳng lặng cô liêu; nhà Ngoại tôi khuất sau mấy lũy dừa xanh soi bóng dịu hiền, bên cạnh mái đình làng đìu hiu cỏ phủ.
Bản vọng cổ 32 nhịp đầy đủ có 6 câu. Tức là ngắn hơn các bản nhịp tám thường có 20 câu. Tuy nhiên, ngay cả 6 câu cũng có khi không sử dụng hết. Bản vọng cổ khi ghi ra giấy, do đó, thường có đánh số câu để người nghệ sĩ biết bản nhạc sử dụng câu nào. Hai câu 1 và 4 thường chỉ có 16 nhịp cuối câu.
Khi bản vọng cổ đã tới 32 nhịp, nhiều soạn giả chêm vô những câu nói giặm. Để nghệ sĩ vô ca vọng cổ cho êm, soạn giả cũng thường gối đầu bằng một khúc nói lối văn xuôi, những câu nói lối văn vần (lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, hoặc cả thơ mới), hoặc một bản ngắn cổ điển như Hành vân, Sương chiều, Lý Cái Mơn hoặc tiêu biểu là Lý con sáo.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Vọng_cổ