Nghệ sĩ Phương Hồng Thủy tên thật là Đinh Hồng Đào, sinh năm 1960, quê quán tại Đồng Nai.
Những năm 87-88 của thế kỷ 20, trên SK Đoàn cải lương Đồng Nai, bộ ba diễn viên chính Ngân Vương - Mỹ Thu - Phương Hồng Thủy giúp đoàn làm mưa làm gió trên đường lưu diễn các tỉnh và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Phương Hồng Thủy và Mỹ Thu thay phiên nhau hát các vai chính của đoàn cùng với kép Ngân Vương.
Sau khi rời đoàn Đồng Nai, năm 1990, NS Phương Hồng Thủy về đoàn Nhân dân Kiên Giang đóng chánh với nam NS Trọng Hữu, hợp cùng các diễn viên Y Phương, Thanh Nam, Thanh Hằng.... Chị xuất hiện trong các vở Hàn Mặc Tử, Thảm kịch tuổi xanh.....
Đôi Trọng Hữu - Phương Hồng Thủy nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây, và tên tuổi của Phương Hồng Thủy không ngừng bay xa hơn. Cũng năm 1990, tại Cuộc bầu chọn Đôi nghệ sĩ hát chung được yêu thích nhất do Báo Sân Khấu TPHCM tổ chức, đôi nghệ sĩ này đã được độc giả bầu chọn vào danh sách.
Năm 1991, khi giải thưởng Trần Hữu Trang được tổ chức năm đầu tiên, NS Phương Hồng Thủy vinh dự được trao HCV cùng với các NS Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Ngọc Huyền và Thanh Hằng.
Hết hợp đồng với đoàn Nhân Dân Kiên Giang, NS Phương Hồng Thủy về TPHCM cộng tác với CLB Cải lương thuộc Ban Ái hữu Nghệ sĩ. Chị xuất hiện trong các vở Sông Dài (vai Lượm), Cung đàn nước mắt (vai Lan Anh), Men rượu Hương tình......
Khoảng năm 1996, Phương Hồng Thủy về Nhà hát Trần Hữu Trang hát vai chính Cầm Thanh trong vở Cô đào hát cùng với nam NS Vũ Linh được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Năm 1997, chị xuất hiện trên sân khấu rạp Đại Đồng trong vở tuồng nổi tiếng "Duyên Kiếp" cùng với các HCV giải Trần Hữu Trang khác như Vũ Linh, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Cẩm Thu, Thanh Hằng.....
Hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi và có nhiều cống hiến cho sân khấu cải lương, năm 2006, một lần nữa vinh dự lại đến với chị khi được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT cùng với Vũ Linh, Thannh Thanh Tâm....
Hiện nay, NSƯT Phương Hồng Thủy đã theo chồng định cư tại Hoa Kỳ. Chị xuất hiện đều đặn trong các chương trình văn nghệ tại hải ngoại phục vụ kiều bào, đó cũng là cách để chị nguôi đi bớt nỗi nhớ nghề.